CÔNG TY TNHH CƠ KHÍ VÀ XÂY DỰNG HÒA HUY

Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà thầu

Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà thầu

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà thầu, giảm bớt các thủ tục hành chính trong đấu thầu, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu với nhiều quy định mới đã góp phần giảm thiểu các thủ tục hành chính cho nhà thầu.

* Nhà thầu không cần thông báo nếu thay đổi tư cách tham gia dự thầu

-Trước đây, nhà thầu muốn tham dự thầu thì phải liên hệ với bên mời thầu/chủ đầu tư để mua hồ sơ mời thầu (HSMT), thậm chí là phải làm các thủ tục để đăng ký rồi mới được mua HSMT. Và trong “trường hợp nhà thầu cần thay đổi tư cách (tên) tham gia đấu thầu so với khi mua HSMT thì phải thông báo bằng văn bản tới bên mời thầu” (Khoản 2 Điều 17 của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP). Trên thực tế, đã có nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu “vin” vào các quy định này để “hành” nhà thầu trong quá trình mua HSMT, nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Đó là chưa kể đến trường hợp các chủ đầu tư/bên mời thầu “vẽ” thêm các thủ tục hành chính cho nhà thầu nếu muốn mua HSMT như: yêu cầu nhà thầu phải cung cấp hồ sơ năng lực, phải có tên trong danh sách nhà thầu đăng ký mua HSMT…

-Còn theo Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, tại Điểm d Khoản 3 Điều 14 quy định: “Bên mời thầu phải tiếp nhận HSDT của tất cả các nhà thầu nộp HSDT trước thời điểm đóng thầu, kể cả trường hợp nhà thầu tham dự thầu chưa mua hoặc chưa nhận HSMT trực tiếp từ bên mời thầu. Trường hợp chưa mua HSMT thì nhà thầu phải trả cho bên mời thầu một khoản tiền bằng giá bán HSMT trước khi HSDT được tiếp nhận”. Như vậy, với quy định này, những nhà thầu chưa mua, chưa kịp mua HSMT vẫn được nộp HSDT và tham gia đấu thầu bình thường, bình đẳng như các nhà thầu đã mua HSMT trước đó. Đối với những nhà thầu đã mua HSMT, trong quá trình chuẩn bị HSDT, sau khi đọc kỹ HSMT, nếu thấy cần thay đổi tư cách (tên) tham gia đấu thầu so với khi mua HSMT thì không phải thông báo bằng văn bản tới bên mời thầu.

-Trao đổi với một số nhà thầu trên địa bàn Hà Nội về quy định mới này của pháp luật về đấu thầu thì câu trả lời mà phóng viên nhận được là “khi quy định mới này có hiệu lực là nhà thầu chúng tôi đã quẳng đi được một gánh nặng lớn khi mua HSMT và nộp HSDT, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung chuẩn bị và hoàn thiện HSDT của mình cho tốt”. Một nhà thầu đã chia sẻ với chúng tôi rằng, sau khi mua được HSMT, trong nhiều trường hợp, nhà thầu thấy rằng nếu liên danh với một nhà thầu khác thì cơ hội thắng thầu sẽ cao hơn nhưng lại ngại mấy thủ tục hành chính để thay đổi tư cách hợp lệ của nhà thầu vì thời gian nộp HSDT cũng cận kề, nếu phía chủ đầu tư/bên mời thầu mà làm khó, kiếm cớ để không chấp nhận cho việc thay đổi tư cách tham dự thầu thì công sức bấy lâu nay coi như đổ xuống sông, xuống bể.

* Nhà thầu được kiến nghị trực tiếp lên chủ đầu tư

-Theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 73 của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 thì “Bên mời thầu có trách nhiệm giải quyết kiến nghị trong đấu thầu của nhà thầu trong thời hạn tối đa là năm ngày làm việc kể từ khi nhận được đơn của nhà thầu. Trường hợp bên mời thầu không giải quyết được hoặc nhà thầu không đồng ý với giải quyết của bên mời thầu thì nhà thầu được quyền gửi đơn đến chủ đầu tư để xem xét, giải quyết…”. Tại Điều 92 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định: “Nhà thầu được gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung…”. Như vậy, so với quy định của pháp luật về đấu thầu trước đây thì quy định hiện hành cho phép nhà thầu được kiến nghị trực tiếp lên chủ đầu tư mà không gửi kiến nghị đến bên mời thầu. Riêng đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung, trách nhiệm giải quyết kiến nghị của nhà thầu là bên mời thầu (vai trò tương đương như chủ đầu tư của dự án).

-Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia, hạn mức chào hàng cạnh tranh được quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP là 5 tỷ đồng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, cao hơn 2,5 lần so với hạn mức quy định trong Nghị định số 85/2009/NĐ-CP. Với quy định nới hạn mức chào hàng cạnh tranh mới sẽ giúp chủ đầu tư, bên mời thầu thuận lợi hơn trong việc áp dụng hình thức này, đồng thời góp phần đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu thông dụng và đặc biệt là sẽ hạn chế được tối đa việc áp dụng hình thức chỉ định thầu. Theo đó, khi thực hiện những gói thầu thông dụng, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể lựa chọn áp dụng chào hàng cạnh tranh mà không phải thực hiện đấu thầu rộng rãi và quy trình chào hàng cạnh tranh thì thủ tục đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều so với quy trình thực hiện đấu thầu rộng rãi, hơn nữa trong chào hàng cạnh tranh còn cho phép được áp dụng cả hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn thì thủ tục lại càng đơn giản. Vì thế, các thủ tục hành chính trong quá trình tham dự thầu của nhà thầu cũng sẽ được giảm tối đa.

-Các chuyên gia nhìn nhận, với nhiều quy định mới của pháp luật về đấu thầu hiện hành, các thủ tục hành chính trong đấu thầu đã được giảm thiểu, nhà thầu gần như được hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính so với các quy định trước đây. Những quy định mới này có sự đúc rút kinh nghiệm của thực tiễn đấu thầu tại Việt Nam thời gian qua và tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm tốt của quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á… Vì thế, các khâu trong quy trình lựa chọn nhà thầu đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và hạn chế tối đa các thủ tục không cần thiết nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác cũng như hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu.

Nguồn: Báo Đấu thầu

 


Quay lại